Cùng với sự hỗ trợ của sở, ngành, doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành, cơ sở lưu trú... trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã không ngừng nỗ lực thích nghi với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trong thời gian qua. Điển hình, ở ngành khách sạn, nhiều đơn vị kinh doanh đã chủ động thay đổi tìm hướng đi mới để khai thác thị trường tiềm năng và duy trì hoạt động kinh doanh.
Báo cáo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Savills Việt Nam vừa mới công bố cho thấy, tình hình hoạt động trong lĩnh vực khách sạn cải thiện khi ngày càng nhiều đơn vị kinh doanh đăng ký làm cơ sở cách ly có thu phí. Trong đó, có thể kể đến sự tham gia tích cực của nhiều khách sạn tầm trung trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong việc trở thành cơ sở cách ly có thu phí và đồng hành cùng chính quyền thành phố phòng, chống dịch COVID-19.
Mặt khác, nhu cầu cách ly tập trung đến từ nguồn khách nhập cảnh, khách trong nước... vẫn tiếp tục tăng đã thúc đẩy ngày càng nhiều khách sạn gia nhập mạng lưới cơ sở cách ly có thu phí. Thống kê quý II/2021, có 8 khách sạn cách ly mới đi vào hoạt động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, cung cấp 3.000 phòng. Hầu hết, những khách sạn cách ly này đều tập trung ở Quận 1, 3, 5,7, Tân Bình...
Trong thời gian qua, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp Sở Y tế tham mưu đề xuất UBND thành phố ban hành quyết định thành lập khu cách ly y tế tập trung có trả phí tại 72 khách sạn, tương ứng 5.564 buồng/phòng. Hiện, các cơ sở này, cũng tiếp nhận khách có nguy cơ mắc COVID-19 cao (F1) đến cách ly thông qua chương trình “Ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh chung tay phòng, chống dịch COVID-19”.
Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện vận động được 395 khách sạn đăng ký làm cơ sở cách ly F1, tương ứng 13.426 buồng/phòng. Trong đó, có 117 khách sạn, tương ứng 5.328 buồng/phòng đã có Quyết định thành lập khu cách ly tập trung, đủ điều kiện để đưa vào sử dụng; số khách sạn còn lại đang trong quá trình thẩm định các điều kiện, tiêu chí.
Đồng thời, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đăng tải và thường xuyên cập nhật danh sách, thông tin khách sạn tham gia đăng ký làm cơ sở cách ly cho những người có nguy cơ mắc COVID-19 cao tại cổng thông tin điện tử của sở. Người dân có thể truy cập để tự đặt phòng khách sạn khi có nhu cầu cách ly tại địa chỉ: Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh (hochiminhcity.gov.vn)
Đặc biệt, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng hợp tác với Traveloka Việt Nam cung cấp dịch vụ đặt trực tuyến khách sạn cách ly và phương tiện vận chuyển cách ly. Trong thời gian tới, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục mở rộng chương trình hợp tác liên kết với mạng lưới đại lý du lịch trực tuyến khác (OTA) dành cho đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao (F1) và khách nhập cảnh.
Chương trình hợp tác liên kết này, được xem là nỗ lực của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Traveloka Việt Nam và hệ thống khách sạn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong việc chung tay phòng, chống dịch COVID-19.
Kỳ vọng "hộ chiếu vaccine"
Một số chuyên gia đánh giá, đại dịch đã khiến cho việc đi lại giữa các quốc gia bị hạn chế tối đa và ngành du lịch gần như phụ thuộc vào khách nội địa, đồng thời thị trường chung vẫn còn nhiều thách thức trong triển vọng phục hồi và phát triển thời gian tới. Tuy nhiên, thị trường du lịch vẫn được kỳ vọng tích cực với nhu cầu du lịch tăng cao khi dịch COVID-19 được kiểm soát; triển vọng sau đại dịch của ngành khách sạn vẫn đầy hứa hẹn với sự tham gia của đa dạng thương hiệu vận hành quốc tế nổi tiếng.
Theo các công ty tư vấn bất động sản, dự kiến đến cuối năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có thêm 2.500 phòng khách sạn đến từ các thương hiệu tên tuổi như Fusion, Hilton và Inter Continental. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch toàn cầu có thể phục hồi hoàn toàn vào năm 2024, trong đó miễn dịch cộng đồng được xem là yếu tố then chốt.
Trong khi đó, Việt Nam đang nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng với 70% dân số được tiêm chủng vào cuối năm 2021. Còn tại một số nước trên thế giới, việc bắt đầu áp dụng “hộ chiếu vaccine” cũng đang là một xu hướng, với kỳ vọng vực dậy ngành kinh tế không khói ngay khi đại dịch đi qua.
Còn bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc bộ phận Nghiên cứu, Savills Việt Nam nhận định, dịch COVID-19 bắt đầu xâm nhập Việt Nam từ đầu năm 2020, đến nay biến động của ngành du lịch nói chung và ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú nói riêng phụ thuộc hoàn toàn vào công tác kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ.
Đồng thời, nhu cầu dịch chuyển và lưu trú của khách du lịch nội địa là rất lớn, có thể quan sát rất rõ ở những giai đoạn dịch bệnh được kiểm soát. Hiện nay, Việt Nam đang trải qua đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, cũng là đợt bùng phát nghiêm trọng nhất nên mọi dự báo về ngành du lịch trong năm 2021 vẫn còn phải bỏ ngỏ khi các biện pháp hạn chế đi lại ngày càng bị thắt chặt. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, việc đẩy mạnh tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đã được Việt Nam, cũng như các nước trên thế giới xác định là chiến lược chính yếu để kiểm soát đại dịch và là chìa khóa mở cửa biên giới toàn cầu.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều quốc gia bắt đầu thí điểm "hộ chiếu vaccine" và từng bước dỡ bỏ một số hạn chế trong cách ly phòng, chống dịch COVID-19. Tuy vậy, với tỷ lệ tiêm chủng trung bình trên thế giới còn ở mức thấp thì việc dựa vào "hộ chiếu vaccine" để vực dậy ngành du lịch chỉ là tiền đề hữu hạn.
Vấn đề phục hồi hoàn toàn của ngành du lịch, theo nhiều chuyên gia và tổ chức, chỉ có thể xảy ra khi toàn thế giới đạt được "miễn dịch cộng đồng", dự kiến nhanh nhất là vào năm 2023 khi ít nhất 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ.
Mỹ Phương